Những lời dạy vượt thời gian của Ajahn Char (Bản word)

CHƯƠNG 3: QUY ƯỚC VÀ SỰ GIẢI THOÁT.

Đây là bài Pháp được giảng theo lối không trang trọng bằng thổ ngữ của vùng đông bắc Thái-lan. Bài Pháp này được biên soạn từ một băng ghi âm không xác định được nguồn gốc của nó.

Mọi thứ trên thế gian này chỉ là những quy ước do chính chúng ta đặt ra. Sau khi đặt chúng ra xong xuôi đâu vào đấy thì chúng ta lại lạc lối trong đó và không chịu buông bỏ, dẫn đến việc bám níu vào những quan điểm và ý kiến cá nhân. Việc bám níu này không bao giờ chấm dứt, nó là vòng luân hồi (samsara) lưu chuyển bất tận. Bây giờ, nếu chúng ta hiểu được thực tại quy ước thì chúng ta sẽ hiểu được sự giải thoát. Nếu chúng ta hiểu rõ sự giải thoát, chúng ta sẽ hiểu quy ước. Đây là hiểu Chân lý (Dhamma). Đây là sự kết thúc.

Lấy con người làm ví dụ. Thực tế thì chúng ta không có danh tánh gì cả, chúng ta sinh ra trần trụi trên thế gian này. Nếu chúng ta có tên thì chúng cũng chỉ do từ quy ước mà ra thôi. Tôi đã quán chiếu điều này và thấy rằng nếu các ông không hiểu sự thật của thứ quy ước này thì thật là tai hại. Nó đơn giản chỉ là một cái gì đó để chúng ta sử dụng cho thuận tiện. Nếu không có quy ước, chúng ta sẽ không thể giao tiếp, sẽ không có gì để nói, không có ngôn ngữ.

Tôi đã thấy những người phương Tây cùng ngồi thiền với nhau trên đất nước họ. Khi họ đứng dậy sau thời thiền, cả nam lẫn nữ, đôi khi họ sờ vào đầu nhau! Khi chứng kiến cảnh này, tôi nghĩ, “À, thì ra nếu chúng ta bám níu vào quy ước, phiền não sẽ sinh khởi ngay tại chỗ này đây”. Nếu chúng ta có thể buông bỏ quy ước, từ bỏ ý kiến của mình, chúng ta sẽ bình an.

Tương tự như trường hợp của các vị tướng, tá – những người có cấp bậc và địa vị – đến gặp tôi. Họ nói: “Xin Ngài hãy đặt tay lên đầu con”. Nếu họ yêu cầu như vậy thì việc đặt tay lên đầu của họ là không có gì sai, họ vui mừng vì được tôi đặt tay lên đầu. Nhưng nếu các ông vỗ đầu họ ngay giữa đường phố thì lại là chuyện khác! Điều này là do bám níu. Vì vậy, tôi nhận thấy rằng buông bỏ thật sự là con đường đi tới bình an. Phong tục của chúng ta không cho phép sờ vào đầu người khác nhưng trong thực tế thì việc này cũng chẳng có gì là quan trọng cả. Nếu được người khác đồng ý, chúng ta có thể sờ vào đầu của họ mà không có gì sai trái, cứ như sờ vào một cái bắp cải hay một củ khoai tây vậy.

Chấp nhận, từ bỏ, buông bỏ – đây là con đường của sự thanh thản, thoải mái. Bất cứ nơi đâu các ông đang bám níu thì ngay tại đó sẽ có hữu và sinh. Có sự nguy hiểm tại đó. Đức Phật đã dạy về quy ước và Ngài đã dạy cách để tháo gỡ nó một cách đúng đắn, và do vậy thành tựu sự giải thoát.

Đây là sự tự do, không bám víu vào các quy ước. Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều có một thực tại quy ước (của chính nó). Sau khi tạo ra các quy ước, chúng ta không nên để chúng lừa gạt chúng ta bởi vì lạc lối trong những quy ước sẽ thật sự dẫn đến khổ đau. Vấn đề liên quan đến các luật lệ và quy ước này là vô cùng quan trọng. Ai có thể vượt qua chúng thì có thể vượt qua khổ đau.

Tuy nhiên, chúng là một đặc điểm của thế gian của chúng ta. Hãy lấy ông Boonmah làm ví dụ; trước đây ông ta chỉ là một người bình thường nhưng hiện nay ông ta được bổ nhiệm làm Uỷ viên Quận uỷ. Nó chỉ là một quy ước nhưng đó là một quy ước chúng ta nên tôn trọng. Đó là một phần của thế gian của con người. Nếu các ông nghĩ rằng: “Ồ, trước đây chúng tôi là bạn, chúng tôi đã từng làm việc với nhau tại tiệm may” và rồi quý vị đi mà vỗ vào đầu ông ấy ở nơi công cộng, ông ta sẽ nổi giận. Việc làm của quý vị là không đúng và sẽ làm cho ông ta phẫn nộ. Vì vậy, chúng ta nên làm theo các quy ước nhằm tránh gây ra sự oán giận. Hiểu về quy ước là một việc hữu ích, sống trong thế gian chẳng khác gì hơn là sống với những quy ước này. Hãy biết (cách xử sự) đúng lúc, đúng nơi và biết đúng người.

Tại sao lại đi ngược lại với quy ước là sai? Nó sai là do con người! Các ông nên khôn khéo, phải hiểu cả hai: quy ước lẫn sự giải thoát. Biết đúng thời điểm nào thì phải cần đến thứ nào. Nếu chúng ta biết cách sử dụng các luật lệ và quy ước một cách thoải mái, chúng ta khéo léo (thiện xảo). Nhưng nếu chúng ta cố gắng hành xử theo kiểu cố gắng dựa vào cái thực tại ở cấp độ cao hơn trong một tình huống không thích hợp thì điều này là sai. Nó sai chỗ nào? Nó sai là do phiền não của con người, chỗ đó đấy! Mọi người ai cũng có phiền não. Trong tình huống này chúng ta xử sự theo cách này, trong tình huống nọ, chúng ta phải xử sự theo cách khác. Chúng ta nên hiểu cái sự thật phức tạp này bởi vì chúng ta sống trong phạm vi của quy ước. Vấn đề xảy ra vì con người bám níu vào chúng. Nếu chúng ta cho rằng một cái gì đó là như vậy thì nó sẽ như vậy. Nó ở đó bởi vì chúng ta cho rằng nó ở đó. Nhưng nếu các ông suy xét cho kỹ thì những thứ này không thật sự tồn tại trong thực tại tối hậu.

Như tôi vẫn thường nói, trước kia chúng ta là cư sĩ và bây giờ chúng ta là các nhà sư. Chúng ta đã sống trong phạm vi quy ước của “cư sĩ” và bây giờ chúng ta đang sống trong phạm vi quy ước của “nhà sư”. Chúng ta là các nhà sư theo quy ước chứ không phải là các nhà sư qua sự giải thoát. Ban đầu chúng ta lập ra những quy ước như vậy, nhưng nếu một người chỉ đơn thuần thọ giới, điều này không có nghĩa là vị ấy đã khắc phục được phiền não. Nếu chúng ta lấy một nắm cát và đồng ý gọi nó là muối, cát đó có thành muối được không? Đó là muối, nhưng chỉ ở cái tên chứ trong thực tế thì không phải. Các ông không thể dùng nó để nấu nướng. Giá trị của nó chỉ nằm ở phạm vi của sự thoả thuận đó thôi, bởi vì thật sự không có muối ở đó mà chỉ có cát. Cát trở thành muối chỉ bởi do chúng ta cho nó là như vậy.

Bản thân từ “giải thoát” cũng chỉ là một quy ước, nhưng nó ám chỉ đến cái nằm ngoài những quy ước. Khi đã đạt được sự giải thoát, khi đã thành tựu được sự giải thoát, chúng ta vẫn phải sử dụng quy ước để đặt cho cho nó cái tên gọi là “giải thoát”. Nếu chúng ta không có quy ước, chúng ta không thể giao tiếp, do vậy, quy ước có công dụng của nó.

Ví dụ, con người có những cái tên khác nhau, nhưng họ đều là những con người như nhau. Nếu chúng ta không có tên để phân biệt giữa họ với nhau và khi chúng ta muốn gọi một ai đó đang đứng trong đám đông, chúng ta kêu: “Ê, con người! con người!”, việc này sẽ chẳng được tích sự gì. Các ông không thể chỉ ra ai là người sẽ phải đáp lại lời gọi của các ông bởi vì tất cả bọn họ đều là “con người”. Nhưng nếu các ông gọi: “Ê, John!”, và rồi John sẽ đến còn những người khác thì không lên tiếng. Tên gọi đáp ứng được nhu cầu này. Thông qua chúng, chúng ta có thể giao tiếp, chúng làm nền tảng cho hành vi của con người trong xã hội.

Vì vậy, các ông nên biết cả hai quy ước lẫn sự giải thoát. Quy ước tuy có công dụng, nhưng trong thực tế thì thật sự không có bất cứ thứ gì ở đó cả. Ngày cả con người cũng không tồn tại. Con người đơn thuần chỉ là các nhóm yếu tố, sinh ra từ các điều kiện (duyên), phụ thuộc vào các điều kiện mà lớn lên, tồn tại trong một thời gian, sau đó biến mất một cách tự nhiên. Không ai có thể chống lại hoặc kiểm soát được nó. Nhưng nếu không có quy ước, chúng ta sẽ không có gì để nói, chúng ta sẽ không có tên, không có sự thực hành, không có công việc. Luật lệ và quy ước được lập ra nhằm tạo ra ngôn ngữ cho chúng ta, làm cho mọi việc thuận tiện, tất cả chỉ vậy thôi.

Hãy dùng tiền làm ví dụ. Vào thời xa xưa làm gì mà có tiền xu hoặc tiền giấy, chúng không có giá trị. Loài người trao đổi hàng hoá với nhau, nhưng hàng hoá thì khó cho việc cất giữ nên con người chế ra tiền, sử dụng tiền xu và tiền giấy. Có thể trong tương lai một vị vua mới sẽ ban lệnh rằng chúng ta không được sử dụng tiền giấy nữa mà dùng sáp, nấu chảy nó và ấn thành từng miếng. Chúng ta nói rằng đây là tiền và sử dụng nó trong cả nước. Chẳng phải chỉ với sáp không thôi đâu, người ta thậm chí có thể quyết định dùng phân gà để làm tiền – không dùng bất cứ thứ gì khác, chỉ phân gà thôi! Rồi thì mọi người sẽ đánh nhau, giết nhau vì phân gà.

Quy ước là vậy. Các ông có thể sử dụng nhiều ví dụ để minh hoạ cho quy ước. Những gì chúng ta sử dụng để làm tiền đơn giản chỉ là một quy ước mà chúng ta đã lập ra, có công dụng trong phạm vi quy ước đó. Sau khi đã quy định nó là tiền, nó sẽ trở thành tiền. Nhưng trong thực tế, tiền là gì? Không một ai có thể nói được. Khi có một thoả thuận được nhiều người biết đến về một thứ gì đó thì một quy ước sẽ xuất hiện để đáp ứng cái nhu cầu đó. Thế gian này là như vậy đấy.

Đây là quy ước, nhưng để những người bình thường hiểu được sự giải thoát thì quả là gay, tiền của chúng tôi, nhà của chúng tôi, gia đình của chúng tôi, con cái và người thân của chúng tôi đơn thuần chỉ là những quy ước mà chúng ta đã tạo ra, nhưng thật ra, nếu chúng ta xem xét chúng dưới ánh sáng của Pháp/ Chân lý (Dhamma) thì chúng không thuộc về chúng ta. Có thể khi nghe như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy không vui lắm, nhưng thực tế lại là như vậy. Những thứ này chỉ có giá trị thông qua những quy ước đã được lập ra. Nếu chúng ta quy định rằng nó không có giá trị thì nó sẽ không có giá trị. Nếu chúng ta quy định nó có giá trị thì nó sẽ có giá trị. Bản chất của quy ước là như vậy, chúng ta đưa quy ước vào trong thế gian để đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Ngay cả thân này cũng không thật sự là của chúng ta, chúng ta chỉ cho nó là như vậy thôi. Thật sự đó chỉ là một giả định của chúng ta. Nếu các ông cố gắng tìm một cái ngã có thật bên trong nó, các ông không thể tìm thấy. Chỉ có những yếu tố được sinh ra, tồn tại trong một thời gian và sau đó hoại diệt đi. Mọi thứ đều như vậy cả, đều không có thực chất, nhưng việc chúng ta sử dụng chúng là đúng. Giống như trường hợp của một cái tách. Đến một lúc nào đó, cái tách sẽ phải bị vỡ, nhưng khi nó còn đó thì các ông nên sử dụng và giữ gìn nó cho cẩn thận. Đó là một món đồ dùng để cho các ông sử dụng. Nếu nó bị vỡ thì sẽ có ít nhiều phiền hà; vì vậy, mặc dù trước sau gì thì nó cũng sẽ bị vỡ nhưng các ông nên cố gắng hết sức để giữ gìn nó.

Chúng ta có tứ vật dụng và Đức Phật luôn dạy chúng ta quán chiếu chúng. Chúng là những vật hỗ trợ mà các nhà sư dựa vào đó để có thể tiếp tục sự thực hành của mình. Hễ khi nào các ông còn sống, các ông phải phụ thuộc vào chúng, nhưng các ông nên hiểu chúng. Đừng bám níu vào chúng, bám níu vào chúng làm cho ham muốn trong tâm của các ông sinh khởi.

Quy ước và sự giải thoát không ngừng liên quan đến nhau như vậy. Mặc dù chúng ta sử dụng quy ước nhưng không nên tin rằng nó là sự thật. Nếu các ông bám víu vào nó thì đau khổ sẽ sinh khởi. Đúng và sai là một ví dụ tốt cho trường hợp này. Một số người thấy sai là đúng và đúng là sai, nhưng rốt cuộc thì ai là người thật sự biết cái gì là đúng và cái gì là sai? Chúng ta không biết. Những người khác nhau đặt ra các quy ước khác nhau về những gì là đúng và những gì là sai nhưng Đức Phật lấy khổ làm nguyên tắc chỉ đạo của Ngài. Nếu các ông muốn tranh luận đúng, sai thì sẽ không có sự kết thúc. Người này nói “đúng”, người kia nói “sai”. Người này nói “sai”, người kia nói “đúng”. Sự thật thì chúng không thật sự biết đúng hay sai gì ráo trọi. Nhưng ở mức độ hữu ích và thực tiễn thì chúng ta có thể nói rằng đúng có nghĩa là không làm hại chính mình và không làm hại người khác. Cách này đáp ứng được cho mục đích mang tính xây dựng của chúng ta.

Vì vậy, xét cho cùng, quy ước và sự giải thoát cả hai đơn giản đều là các pháp (Dhamma). Cái này thì cao hơn cái kia, nhưng chúng có sự liên quan mật thiết với nhau. Chẳng có cách nào để chúng ta có thể đảm bảo rằng một cái gì đó dứt khoát phải là như thế này hoặc phải là như thế nọ, cho nên Đức Phật bảo cứ để yên nó như vậy. Hãy để nó như là không chắc chắn, đúng theo bản chất của nó. Cho dẫu các ông có thích hay không thích nó đến mấy đi nữa, các ông nên hiểu nó là không chắc chắn.

Bất chấp thời gian và nơi chốn, toàn bộ việc thực hành Giáo pháp (Dhamma) sẽ viên mãn tại cái nơi không có gì. Đó là nơi của sự từ bỏ, của sự rỗng không, của việc đặt gánh nặng xuống. Đây là sự kết thúc. Nó không như giống ai đó nói: “Tại sao lá cờ bay trong gió? Tôi nói đó là do bởi gió”. Người kia nói đó là do cờ. Người này vặn lại đó là do gió. Câu chuyện này không có hồi kết! Hệt như câu đố có từ thời xa xưa “Cái gì xuất hiện đầu tiên, con gà hay quả trứng?” Để có sự kết luận cho câu đố này quả là vô phương, nó chỉ là vấn đề của tự nhiên.

Tất cả những điều chúng ta nói chỉ là quy ước, chúng ta tự tạo ra chúng. Nếu các ông biết những điều này với trí tuệ thì các ông sẽ biết vô thường, khổ và vô ngã. Đây là cái nhìn dẫn đến sự giác ngộ.

Các ông biết đó, rèn luyện và dạy dỗ những người có trình độ hiểu biết khác nhau thật sự khó. Một số người có những ý tưởng nào đó và các ông nói với họ điều gì đó và họ không tin các ông. Các ông nói với họ sự thật và họ nói nó không đúng sự thật. “Tôi đúng, bạn sai rồi…” Chuyện không bao giờ kết thúc!

Nếu các ông không buông bỏ, đau khổ sẽ có mặt. Trước đây tôi đã từng kể cho các ông một câu chuyện về bốn người đàn ông đi vào trong rừng. Họ nghe thấy tiếng gà kêu: “Cục… cục… tác!” Một người trong số họ tự hỏi: “Gà trống hay gà mái vậy cà?” Ba người còn lại đồng thanh đáp “Gà mái”, nhưng người kia không đồng ý, ông ta khăng khăng cho đó là con gà trống. Ông ta nói: “Gà mái làm sao mà gáy như vậy được chứ?” Bọn họ vặn lại: “À, nó có miệng mà, đúng không?” Họ cãi tới cãi lui cho đến khi giận đến phát khóc. Bọn họ thật sự buồn bã chỉ do bởi con gà, nhưng rốt cuộc thì tất cả bọn họ đều sai. Cho dù các ông nói gà mái hoặc gà trống, chúng chỉ là những cái tên. Chúng tạo ra các quy ước này, nói rằng con gà trống thì phải như thế này, con gà mái thì phải như thế kia; con gà trống thì kêu như thế này, con gà mái thì kêu như thế nọ… chúng ta bị mắc kẹt trong thế gian là như vậy đấy! Hãy nhớ lấy điều này! Trên thực tế, nếu các ông nói rằng thật sự là không có gà mái mà cũng không có gà trống thì vấn đề kết thúc.

Trong lĩnh vực thực tại của quy ước thì mặt bên này là đúng còn mặt bên kia là sai, và sẽ không bao giờ có được một sự đồng ý hoàn toàn với nhau. Tranh luận cho đến khi nước mắt đổ thì chẳng lợi ích gì.

Đức Phật dạy không nên bám níu. Chúng ta thực hành không bám níu như thế nào đây? Chúng ta thực hành đơn giản bằng cách từ bỏ sự bám níu, nhưng sự bám níu này thì rất khó hiểu. Phải có trí tuệ sắc bén để thẩm sát và thể nhập vào việc này ngõ hầu thật sự đạt được sự không bám níu.

Cho dù con người vui hay buồn, hài lòng hay bất mãn, điều ấy không phụ thuộc vào việc họ có ít hoặc có nhiều – nó phụ thuộc và trí tuệ. Chỉ thông qua trí tuệ, thông qua việc nhìn thấy sự thật của sự vật và các hiện tượng chúng ta mới có thể vượt qua mọi đau buồn.

Vì vậy, Đức Phật sách tấn chúng ta thẩm sát, quán chiếu. Việc “quán chiếu” này đơn giản có nghĩa là cố gắng giải quyết những vấn đề này một cách đúng đắn. Đây là việc thực hành của chúng ta. Chẳng hạn như sinh, lão, bệnh, tử – chúng là những sự kiện tự nhiên và phổ biến nhất. Đức Phật dạy quán chiếu sinh, lão, bệnh, tử và cái chết, nhưng một số người không hiểu điều này. Họ nói: “Có gì ở đó mà quán chiếu chứ?” Họ sinh ra nhưng họ không biết về sinh, họ sẽ chết nhưng họ không biết về cái chết.

Một số người quán xét tới lui những việc này thì sẽ hiểu. Khi đã hiểu người ấy sẽ từng bước giải quyết vấn đề của mình. Ngay cả khi anh ta vẫn còn sự bám níu, nhưng nếu anh ta có trí tuệ và thấy rằng tuổi già, bệnh tật và cái chết là đường lối tự nhiên, nổi khổ của anh ta có thể giảm bớt. Chúng ta nghiên cứu Giáo pháp (Dhamma) đơn giản chỉ nhằm cho mục đích này – để thoát khổ.

Thật sự thì nền tảng của Phật giáo không có gì nhiều, chỉ có cái khổ của sinh và tử, và đây là điều mà Đức Phật gọi là sự thật. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ và chết là khổ. Con người không nhìn thấy cái khổ này là sự thật. Nếu chúng ta biết sự thật, chúng ta sẽ biết khổ.

Sự tự hào về những ý kiến cá nhân, các lập luận, chúng không bao giờ kết thúc. Để cho tâm của chúng ta được nghỉ ngơi, để tìm sự bình an, chúng ta nên quán chiếu quá khứ, hiện tại của chúng ta, và những gì đang sẵn dành cho chúng ta, chẳng hạn như sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta có thể làm gì để tránh bị những sự cố này quấy rầy? Mặc dù chúng ta có thể vẫn có một chút lo lắng, nhưng nếu chúng ta thẩm sát chúng cho đến khi chúng ta hiểu theo sự thật, tất cả khổ đau sẽ giảm đi do chúng ta không còn bám níu vào chúng.

Theo: Convention and Liberation