NHỮNG LỜI DẠY VƯỢT THỜI GIAN CỦA AJAHN CHAR
Chương 1:
CON ĐƯỜNG GIỮA (TRUNG ĐẠO) BÊN TRONG.
Bài Pháp được thuyết cho chư Tăng và cư sĩ theo thổ ngữ của vùng đông bắc Thái-lan vào năm 1970.
Đạo Phật dạy chúng ta từ bỏ điều ác và thực hành điều thiện. Và rồi khi ác pháp đã được từ bỏ và thiện pháp đã được huân tập thành một thói quen, chúng ta phải buông bỏ cả hai, thiện và ác. Chúng ta nghe đã đủ về các điều kiện (duyên) thiện và bất thiện để có thể hiểu ít nhiều về chúng. Vì vậy, tôi muốn nói về Con Đường Giữa, tức là con đường để vượt qua cả hai những cái thiện và ác này.
Tất cả những bài Pháp và giáo lý của Đức Phật chỉ có một mục đích – chỉ ra con đường thoát khổ cho những ai chưa thoát ra khỏi khổ. Những lời dạy này nhằm mục đích giúp chúng ta có một sự hiểu biết chân chánh (chánh tư duy). Nếu chúng ta không có sự hiểu biết chân chánh, chúng ta sẽ không thể đạt đến sự an bình.
Khi các vị Phật chứng ngộ đạo quả Giải thoát- Niết bàn và thuyết dạy những lời dạy đầu tiên, các Ngài đều chỉ ra hai cực đoan này – đam mê lạc thú và đam mê sự (hành xác) đau đớn. Hai con đường này là hai cực đối nghịch và ở giữa hai thái cực này, những chúng sinh đang chìm đắm trong các ham muốn dục lạc luôn bị dao động, không bao giờ có thể đạt được sự bình an. Chúng đều là những con đường xoay quanh vòng sinh tử luân hồi (Samsara).
Đấng Giác Ngộ quan sát thấy rằng tất cả chúng sinh đều bị mắc kẹt trong hai cực đoan này nên không bao giờ thấy được Con Đường Giữa của Pháp/ Chân lý (Dhamma). Vì vậy, Ngài đã chỉ ra cả hai cực đoan này để cho thấy sự bất lợi khi chúng ta dính mắc vào chúng. Do bởi chúng ta vẫn còn đang mắc kẹt, bởi chúng ta vẫn còn ham muốn nên chúng ta cứ sống lộn tới lộn lui dưới sự thống trị của chúng. Đức Phật tuyên bố rằng cả hai con đường này đều là những con đường bị nhiễm độc. Chúng không phải là con đường của người hành thiền, cũng không phải là con đường đưa đến sự an bình. Hai con đường này là tìm sự thỏa mãn trong những lạc thú và tìm sự thỏa mãn trong sự đau đớn; hay nói một cách đơn giản, một con đường của sự phóng dật, buông lung và con đường kia là của sự căng thẳng.
Nếu các ông thẩm sát vào bên trong từng khoảnh khắc một, các ông sẽ thấy rằng con đường căng thẳng là sân hận, con đường của ưu phiền. Đi con đường này thì chỉ có sự khó khăn và đau khổ mà thôi. Chìm đắm trong các thú – nếu các ông vượt qua được điều này, có nghĩa là các ông đã vượt qua sự hạnh phúc. Hạnh phúc lẫn khổ đau đều không phải là những trạng thái an bình. Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ cả hai. Đây là sự thực hành chân chánh. Đây là Con Đường Giữa.
Những từ này, “Con Đường Giữa”, không ám chỉ thân và khẩu của chúng ta mà nói đến tâm. Khi một trong các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó và một cảm xúc mà chúng ta không ưa thích sinh khởi, cảm xúc này tác động vào tâm và tạo ra sự bối rối. Khi tâm bối rối, nó “dao động” – đây không phải là con đường chân chánh. Khi một trong các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó và một cảm xúc mà chúng ta ưa thích sinh khởi, tâm sẽ buông thả trong khoái lạc – đó cũng không phải là con đường chân chánh.
Con người chúng ta không muốn khổ, chúng ta muốn hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, hạnh phúc chỉ là một hình thức vi tế của khổ. Khổ tự thân nó là một dạng thô của hạnh phúc. Các ông có thể so sánh chúng với một con rắn. Đầu của con rắn là khổ, đuôi của con rắn là hạnh phúc. Đầu của con rắn thật sự nguy hiểm vì nó có nanh độc. Nếu các ông sợ vào nó, con rắn sẽ cắn các ông ngay tức khắc. Nhưng bận tâm đến cái đầu mà làm gì, cho dẫu các ông đi mà nắm đuôi của nó, nó cũng quay lại để cắn các ông, giống hệt như khi các ông sờ vào đầu của nó vậy, bởi vì cả đầu lẫn đuôi đều thuộc về một con rắn.
Tương tự như vậy, cả hạnh phúc và đau khổ, hoặc vui và buồn đều sinh khởi từ cùng một cha/ mẹ, đó là ham muốn. Vì vậy, khi các ông hạnh phúc, tâm của các ông không an bình. Nó thật sự không an bình. Ví dụ khi có được những thứ mà chúng ta yêu thích, chẳng hạn như tài sản, uy tín, những lời khen tặng hay sự hạnh phúc thì kết quả là chúng ta vui vẻ. Nhưng tâm vẫn chấp chứa sự lo lắng trong đó do chúng ta sợ những thứ này rồi sẽ mất đi. Chính sự lo sợ đó là trạng thái không an bình. Sau đó, trên thực tế, chúng ta có thể bị mất đi những thứ ấy và rồi chúng ta thật sự đau khổ.
Vì vậy, nếu các ông không nhận thức rõ điều này, cho dẫu các ông đang hạnh phúc thì đau khổ vẫn đang ngấp nghé tìm đến với các ông. Việc này cũng giống như khi chúng ta nắm lấy đuôi con rắn – nếu các ông không buông nó ra thì con rắn sẽ cắn các ông. Do đó, cho dẫu là đầu hay đuôi của rắn – nghĩa là – các điều kiện duyên thiện hay bất thiện – tất cả chúng ta đều là những đặc điểm của Bánh Xe Luân Hồi, của sự thay đổi bất tận.
Đức Phật đề ra Giới, Định, Tuệ như là con đường đưa đến sự an bình, con đường giác ngộ. Nhưng thật ra ba yếu tố này không phải là cốt lõi Phật giáo. Chúng chỉ là con đường, Đức Phật gọi chúng là “magga”, có nghĩa là “con đường”. Cốt lõi của Phật giáo là sự an bình, và sự an bình này sinh khởi từ việc thật sự hiểu rõ bản chất của sự vật và hiện tượng. Nếu chúng ta thẩm sát tường tận, chúng ta có thể thấy rằng sự an bình đó không phải là hạnh phúc mà cũng không phải là đau khổ. Cả hai thứ này đều không phải là sự thật.
Tâm của con người – cái tâm bị ô nhiễm mà Đức Phật khuyến khích chúng ta nhận biết và thẩm sát – là cái gì đó mà chúng ta chỉ có thể biết được qua các sinh hoạt của nó. Nhưng không một thứ gì có thể dựa vào đó để cân đo đong đếm được cái “tâm nguyên sơ” đích thực, không một thứ gì chúng ta có thể dựa vào để qua đó mà biết được nó. Trong trạng thái tự nhiên, tâm không dao động, nó đứng yên. Khi một trong các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó và hạnh phúc sinh khởi thì tất cả những gì xảy ra là tâm bị lạc lối trong cái cảm xúc đó, có sự dao động. Khi tâm dao động, như vậy thì sự bám víu và dính mắc vào đối tượng đó bắt đầu xảy ra.
Đức Phật đã vạch ra con đường thực hành trọn vẹn, tròn đủ nhưng chúng ta vẫn chưa thực hành, hoặc nếu chúng ta có thực hành, chúng ta chỉ thực hành qua lời nói suông mà thôi. Tâm và lời nói của chúng ta không đi đôi với nhau. Chúng ta chỉ đi tìm sự thỏa mãn qua những hý luận vô bổ, nhưng nền tang của Phât giá không phải là cái gì đó có thể nói suông hay suy đoán. Nền tảng thật sự của Phật giáo là sự hiểu biết trọn vẹn sự thật của thực tại. Nếu một người hiểu được sự thật này thì giáo lý sẽ không còn cần thiết nữa. Nếu người ấy không hiểu, cho dẫu có cố gắng nghe Giáo pháp thì cũng coi như không thật sự nghe nó. Đó là lý do tại sao Đức Phật day: “Bậc Giác Ngộ chỉ chỉ ra con đường.” Ngài không thể thực hành thay cho các ông bởi vì sự thật là cái gì không thể diễn đạt bằng lời hoặc có thể đem đi biếu tặng.
Tất cả những lời dạy chỉ là những sự ví von và so sánh nhằm giúp cho tâm hiểu đc sự thật. Nếu chúng ta không thấy được sự thật, chắc chắn chúng ta phải khổ. Ví dụ, chúng ta thường dùng từ “sankhara” (các hành) khi đề cập đến thân. Ai cũng có thể nói từ này. Nhưng trong thực tế chúng ta luôn gặp vấn đề đơn giản là do bởi chúng ta không hiểu sự thật của các sankhara này, và vì vậy, chúng ta bám víu vào chúng. Do chúng ta không hiểu được sự thật về thân, chúng ta khổ.
Đây là một ví dụ. Giả sử, một buổi sáng nọ, các ông đang rảo bước trên đường đến sở làm thì từ bên kia đường xuất hiện một gã ông. Hắn tự nhiên la ó, lăng mạ, làm nhục các ông. Khi nghe những lời lăng mạ này, tâm của các ông thay đổi, nó không còn ở trạng thái bình thường nữa. Các ông cảm thấy không thoải mái, các ông cảm thấy giận dữ và bị tổn thương. Gã kia cứ đi quanh, chửi các ông cả ngày lẫn đêm. Bất cứ khi nào các ông nghe những lời lăng mạ đó, các ông trở nên tức giận và ngay cả khi về đến nhà, các ông vẫn còn tức, các ông cảm thấy không thể khoan dung, các ông muốn trả đũa.
Vài ngày sau đó, một người khác đến gặp các ông và la lên rằng: “Này! Người mà hôm nọ lăng nhục bạn ngoài đường là một kẻ mất trí, hắn điên! Điên đã nhiều năm rồi. Hắn cứ mắng chửi mọi người như vậy. Chẳng ai màng bận tâm đến những gì hắn nói. “Vừa nghe xong điều đó, các ông tự nhiên thấy nhẹ cả người. Sự sân hận và tổn thương mà các ông đè nén trong lòng những ngày qua hoàn toàn tan biến. Tại sao vậy? Bởi vì giờ đây các ông đã hiểu được sự thật của vấn đề. Trước kia các ông không hiểu, cứ nghĩ rằng người kia là một kẻ bình thường nên giận hắn ta. Do nghĩ như vậy cho nên các ông bị tổn thương. Khi các ông tìm ra sự thật, mọi sự thay đổi. “Ồ, hắn điên mà, quá rõ rồi”.
Khi các ông hiểu được như vậy, các ông cảm thấy ổn bởi vì các ông đã tự biết lấy cho chính mình. Khi đã biết, các ông có thể buông bỏ. Nếu các ông không biết sự thật, các ông cứ bám chặt vào đó. Khi các ông nghĩ cái gã lăng nhục các ông là một kẻ bình thường, các ông chắc chỉ muốn giết hắn thôi. Nhưng khi các ông tìm ra sự thật rằng cái gã đó điên, các ông cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Đây là hiểu biết sự thật.
Một người thấy Pháp/Chân lý (Dhamma) cũng có kinh nghiệm tương tự. Khi chấp thủ (tham), sân và si tan biến, chúng cũng tan biến theo cách tương tự, chừng nào mà chúng ta còn chưa hiểu được những điều này, chúng ta sẽ nghĩ: “Mình có thể làm gì? Mình nhiều tham, sân quá”. Đây không phỉa là một sự hiểu biết rõ ràng đúng với sự thật, việc này cũng tương tự như khi chúng ta nghĩ rằng gã điên kia là kẻ tỉnh trí. Khi chúng ta rốt cuộc hiểu ra rằng hắn ta chỉ là gã điên thì chúng ra nhẹ gánh phiền muộn. Không ai có thể chỉ cho các ông điều này. Chỉ khi tâm tự nó hiểu lấy thì mới có thể bứng được tận gốc sự chấp thủ và từ bỏ nó.
Điều ấy cũng tương tự với cái thân mà chúng ta gọi là chư hành (sankhara) này. Mặc dầu Đức Phật đã giải thích rằng thân này thì không thật hay giả tạm, chúng ta vẫn không đồng ý, chúng ta vẫn ngoan cố bám chắc vào nó. Nếu cái thân có thể nói, suốt ngày nó sẽ nói với chúng ta rằng: “Ông không phải là ông chủ của tôi, ông biết đó”. Thật ra, lúc nào nó cũng nói với chúng ta như vậy, nhưng nói theo ngôn ngữ của Dhama nên chúng ta không thể hiểu được.
Ví dụ các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân này đang liên tục thay đổi nhưng tôi chưa bao giờ thấy chúng xin phép chúng ta dẫu chỉ một lần! Giống như khi chúng ta đau bụng hay bị nhức đầu, thân có xin phép chúng ta trước gì đâu. Nó đau là nó đau liền, theo cái tiến trình tự nhiên của nó. Điều này cho thấy rằng thân này không cho phép ai làm chủ nó cả. Nó không có chủ, Đức Phật đã mô tả nó như một vật không có thực chất (rỗng không).
Chúng ta không hiểu Dhama và do đó không hiểu các hành (sankhara) này. Chúng ta nhận chúng chính là chúng ta, thuộc về chúng ta hay thuộc về người khác. Điều này khiến cho sự bám níu sinh khởi. Khi bám níu sinh khởi, sự trở thành hay hữu sẽ theo sau. Một khi hữu sinh khởi thì sẽ có sự sinh. Một khi có sinh thì sẽ có già, bệnh, chết… toàn bộ một khối đau khổ sinh khởi.
Đây là Paticcasamuppada (Pháp Duyên Khởi). Chúng ta nói vô minh tạo duyên cho tác ý (hành) sinh khởi, hành duyên cho ý thức (thức)… tất cả những điều này đơn giản chỉ là những sự kiện diễn ra trong tâm. Khi chúng ta tiếp xúc với điều gì mà chúng ta không thích, nếu chúng ta không có chánh niệm thì si (vô minh) có mặt ngay tại đó. Đau khổ sinh khởi ngay tức thì. Tuy nhiên, tâm đi qua những biến đổi ấy nhanh đến độ chúng ta không thể theo kịp chúng, nó giống như khi các ông rơi từ trên cây xuống. Trước khi các ông biết được việc gì xảy ra – “uỵch!” – các ông đã nằm dài trên đất. Thật ra thì trong khi rơi, các ông đã lướt qua nhiều cành to và nhánh nhỏ, nhưng các ông không thể đếm chúng, không thể nhớ chúng khi các ông rơi ngang qua chúng. Đơn giản các ông chỉ rơi xuống và rồi “uỵch”!
Pháp Duyên Khởi cũng tương tự như vậy. Nếu chúng ta phân nó ra như trong Kinh điển thì chúng ta nói rằng vô minh duyên cho hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục căn, lục căn duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên khát ái, khát ái duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu, hữu duyên cho sinh, sinh duyên cho già, bệnh, chết và tất cả những dạng sầu muộn. Nhưng trong thực tế, khi các ông tiếp xúc với điều mà mình không thích, đau khổ có mặt ngay lập tức! Cảm giác đau khổ ấy trên thực tế là kết quả của toàn bộ chuỗi Paticcasamuppada. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyến khích các đệ tử của mình nên quán chiếu và hiểu cho thật cặn kẽ tâm của chính mình.
Khi mới sinh ra trên cõi đời này, con người không có danh tánh – một khi sinh ra rồi thì mới được đặt tên. Đó là quy ước. Chúng ta đặt tên cho từng người để gọi nhau cho tiện. Kinh điển cũng vậy, chúng ta đặt tên, dán nhãn để phân chia mọi thứ ra nhằm tiện cho việc nghiên cứu thực tại. Tương tự, sự vật và các hiện tượng đơn giản chỉ là các hành (sankhara). Bản chất khởi thủy của chúng chỉ là các pháp hữu vi. Đức Phật dạy rằng chúng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Chúng không bền vững. Chúng ta không hiểu để nắm vững cho điều này. Sự hiểu biết của chúng ra không ngay đường thẳng lối cho nên chúng ta tà kiến. Tà kiến ở đây là cho rằng các hành (sankhara) chính là chúng ta, chúng ta là các sankhara, hay cho rằng hạnh phúc và đau khổ đó chính là chúng ta, chúng ta là hạnh phúc và đau khổ. Thấy như vậy là không hiểu biết trọn vẹn và không có sự hiểu biết rõ ràng về bản chất thật sự của sự vật và các hiện tượng. Sự thật chính là chúng ta không thể buộc sự vật và các hiện tượng phải vận hành theo như ý muốn của chúng ta, chúng vận hành theo đường lối của tự nhiên.
Và đây là một sự so sánh đơn giản. Giả sử các ông ra ngồi giữa đường cao tốc và những chiếc ô tô, xe tải đang đâm thẳng vào các ông. Các ông không thể giận những cái xe và la lối: “Đừng chạy qua đây! Đừng chạy qua đây!” đó là đường cao tốc, các ông không thể bảo xe cộ không được chạy như vậy. Vậy các ông cso thể làm gì? Các ông phải đi vào trong lề đường. Đường là nơi dành cho xe cộ, nếu các ông không muốn những chiếc xe chạy trên đó, các ông chỉ chuốc lấy đau khổ.
Các hành (sankhara) cũng tương tự như vậy. Chúng ta nói rằng chúng quấy rầy chúng ta, chẳng hạn như khi chúng ta đang ngồi thiền và nghe có tiếng động, chúng ta nghĩ rằng: “Ồ, tiếng động đó quấy rầy tôi!” Nếu chúng ta hiểu theo kiểu tiếng động quấy rầy chúng ta thì chúng ta sẽ đau khổ với cách hiểu như vậy. Nếu chúng ta quán xét sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta phóng tâm ra ngoài và quấy rầy tiếng động! Tiếng động đơn giản là tiếng động. Nếu chúng ta hiểu như vậy thì chẳng có gì phải bận tâm thêm nữa, chúng ta cứ để mặc nó. Chúng ta hiểu rằng tiếng động là một việc và chúng ta là một việc khác. Người mà thấy âm thanh đến quấy rối mình là người không hiểu chính mình. Người ấy thật sự không hiểu chính mình! Một khi các ông hiểu được chính mình, các ông sẽ thấy thoải mái. Âm thanh chỉ là âm thanh, tại sao các ông lại đi mà dính mắc với nó? Thực tế các ông phải thấy rằng các ông chính là người đi ngoài để quấy rầy âm thanh.
Đây chính là sự hiểu biết thật sự về chân lý, các ông thấy được cả hai mặt nên các ông có sự bình an. Nếu các ông chỉ thấy một bề, sẽ có sự đau khổ. Một khi các ông thấy cả hai mặt, các ông đi theo Con đường giữa. Đó là sự thực hành đúng đắn của tâm. Đây là cái mà chúng ta gọi là làm cho sự hiểu biết của mình được ngay hàng thẳng lối.
Tương tự như vậy, bản chất của sankhara là vô thường và hoại diệt, nhưng chúng ta muốn nắm giữ lấy chúng, chúng ta mang chúng đi theo và thèm muốn chúng. Chúng ta muốn chúng là thật. Chúng ta muốn tìm thấy cái thật trong những cái không thật. Bất cứ khi nào ai đó hiểu theo cách như vậy, bám víu vào các sankhara và cho đó là chính mình, người ấy sẽ đau khổ.
Việc thực hành Pháp/ Chân lý (Dhama) thì không lệ thuộc vào việc người thực hành phải là một tỳ khưu, sa di hay một cư sĩ mà tùy thuộc vào việc làm cho sự hiểu biết của mình ngay thẳng, không quanh co. Nếu sự hiểu biết của chúng ta đúng đắn, chúng ta sẽ đến được với sự an bình. Cho dẫu các ông có xuất gia hay không cũng đều như nhau, mọi người đều có cơ hội để thực hành Dhama, để quán chiếu nó. Tất cả chúng ta đều quán chiếu cùng một thứ như nhau. Nếu các ông đạt được sự an bình, thì nó cùng là một sự an bình, cùng một con đường với cùng một phương pháp.
Vì vậy, đức Phật không phân biệt giữa hàng cư sĩ với người xuất gia. Ngài dạy tất cả mọi người thực hành để hiểu sự thật của các sankhara. Khi chúng ta hiểu sự thật này, chúng ta buông bỏ chúng. Khi chúng ta hiểu sự thật, sẽ không còn “hữu” (sự trở thành) hay “sinh” nữa. Tại sao mà không còn “sinh” nữa? “Sinh” không còn cách nào để xảy ra bởi vì chúng ra đã hiểu tường tận sự thật, chúng ta sẽ có sự an bình. Có hay không có đều giống nhau. Được hay mất cũng chỉ là một. Đức Phật dạy chúng ta để hiểu điều này. Đây là sự an bình, an bình đến từ hạnh phúc, đau khổ, vui sướng và sầu muộn.
Chúng ta phải thấy rằng chẳng có lý do gì để sinh ra lại nữa. Sinh ra bằng cách nào chứ? Sinh ra trong niềm vui: Khi chúng ta có được cái gì mà chúng ta thích, chúng ta vui sướng vì có nó. Nếu không bám víu vào sự vui sướng ấy thì sẽ không có “sinh”, nếu có sự bám víu ấy được gọi là “sinh”. Vì thế, khi chúng ta có một cái gì đó, chúng ta sẽ không còn phải chịu cái cảnh sinh ra trong sự vui sướng. Nếu chúng ta mất một cái gì đó, chúng ta sẽ không phải chịu cảnh sinh ra trong sự sầu muộn. Đây là sự không sinh và không chết. Sinh và chết cả hai đều được xây dựng trên sự bám víu và luyến ái các sankhara.
Do đó đức Phật dạy, “Như Lai không còn sự trở thành (hữu) nữa, chấm dứt chính là cuộc sống thánh thiện, đây là kiếp sống cuối cùng của ta.” Đó! Ngài đã biết sự vô sinh và bất tử! Đây là điều mà Đức Phật không ngừng động viên các môn đồ của mình phải hiểu. Đây là sự thực hành chơn chánh. Nếu các ông không đến được đó, nếu các ông không thành tựu Con Đường Giữa, các ông sẽ không vượt qua được khổ.
Theo: The Middle Way Within
- 1
- 2