CHƯƠNG 2: AN BÌNH VƯỢT QUA CẢ HAI: HẠNH PHÚC LẪN ĐAU KHỔ
Đây là bản cô đọng của bài Pháp được thuyết cho ông Sanya Dharmasakti, Uỷ viên trưởng Hội đồng Cơ mật của Thái lan tại Wat Nong Pah Pong vào năm 1978.
Chúng ta thực hành giáo pháp (Dhamma) và việc này thật vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không thực hành thì tất cả sự hiểu biết của chúng ta chỉ là một mớ kiến thức cạn cợt, chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Giống như chúng ta có một thứ quả gì đó nhưng chúng ta chưa ăn nó. Mặc dù quả ấy nằm trong tay chúng ta, nhưng chúng ta chẳng được chút lợi lạc gì từ nó. Chỉ qua việc thực sự ăn nó, chúng ta mới thật sự biết được hương vị của nó.
Đức Phật không khen ngợi những người chỉ biết tin vào kẻ khác, Ngài tán dương người biết bên trong tự thân mình. Giống như thứ quả kia, nếu chúng ta nếm nó, chúng ta không cần phải hỏi bất kỳ ai khác để xem nó là ngọt hay chua. Vấn đề của chúng ta chấm dứt. Tại sao nó kết thúc? Bởi vì chúng ta đã thấy theo sự thật. Người chứng ngộ Pháp/ Chân lý (Dhamma) thì giống như người đã biết rõ trái cây kia ngọt hay chua. Mọi nghi ngờ được kết thúc ngay tại đây.
Khi chúng ta nói đến Dhamma, mặc dù có thể chúng ta nói rất nhiều nhưng nó chỉ thường được gom lại thành bốn điều. Bốn điều ấy đơn giản là biết khổ, biết nguyên nhân của khổ, biết sự chấm dứt khổ và biết con đường thực hành để dẫn đến sự chấm dứt khổ.
Tất cả chỉ có vậy thôi. Tất cả những gì mà chúng ta trải nghiệm trên con đường tu tập từ trước cho đến nay chỉ gom lại vỏn vẹn trong bốn điều này. Khi chúng ta biết những điều này, các vấn đề của chúng ta kết thúc.
Bốn điều này sinh khởi từ đâu? Chúng sinh khởi từ trong thân và tâm chứ không phải ở nơi đâu khác. Vậy tại sao Giáo pháp của Đức Phật lại quá chi tiết và sâu rộng đến vậy? đây là nhằm giải thích các điều này (thân và tâm) một cách vi tế hơn ngõ hầu giúp chúng ta thấy và hiểu chúng.
Khi Thái tử Siddhatta Gotama (Tất-đạt đa Cồ-đàm) sinh ra trên thế gian, trước khi Ngài chứng ngộ Dhamma, Ngài là một người bình thường như tất cả chúng ta. Khi Ngài hiểu được những gì Ngài cần phải hiểu, đó là sự thật về khổ, nguyên nhân, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ, Ngài chứng ngộ Dhamma và trở thành một vị Phật Toàn Giác.
Khi chúng ta chứng ngộ Dhamma, bất luận ngồi ở đâu, chúng ta cũng biết Dhamma, cho dù ở nơi nào, chúng ta cũng đều nghe thấy lời dạy của đức Phật. Khi chúng ta hiểu Giáo Pháp thì lúc đó đức Phật ở trong tâm ta, Giáo pháp (Dhamma) ở trong tâm ta, và việc thực hành đưa đến trí tuệ cũng ở ngay trong tâm ta. Có Phật, Pháp và Tăng ở trong tâm của chúng ta, có nghĩa rằng cho dù hành động của chúng ta là thiện hay bất thiện, chúng ta luôn tự biết rõ bản thân thật sự của chúng.
Chính vì vậy mà Đức Phật loại bỏ những quan kiến đời thường của thế gian, sự tán dương và chỉ trích. Khi người ta khen hoặc chỉ trích Ngài, Ngài chỉ nghe sao thì chấp nhận như vậy thôi. Hai thứ này đơn thuần chỉ là các pháp thế gian, do vậy Ngài không để cho mình bị dao động bởi chúng. Tại sao ngài không bị dao động? Bởi vì Ngài hiểu về khổ. Ngài biết rằng nếu Ngài tin vào những lời tán dương và chỉ trích đó, chúng sẽ làm Ngài khổ.
Khi khổ sinh khởi, nó làm cho chúng ta bối rối, chúng ta cảm thấy không thoải mái. Nguyên nhân của khổ là gì? Đó là do chúng ta không biết sự thật – đây chính là nhân. Khi nhân có mặt thì khổ sẽ sinh khởi. Khi khổ sinh khởi, chúng ta lại không biết làm thế nào để ngăn chặn nó, nó lại càng đến nhiều hơn. Chúng ta nói: “Đừng chỉ trích tôi” hoặc “Đừng đổ lỗi cho tôi”. Cố gắng để ngăn chặn khổ như thế này thì nó vẫn cứ đến với chúng ta, nó sẽ không dừng lại.
Vì vậy, Đức Phật dạy rằng, con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ là làm cho Dhamma sinh khởi như một thực tại trong tâm của chính chúng ta. Chúng ta trở thành một với kẻ tự chứng kiến Dhamma cho chính mình. Nếu ai đó nói rằng chúng ta tốt, chúng ta không vì lời khen đó mà đánh mất chính mình, nếu họ nói chúng ta không tốt, chúng ta cũng không vì đó mà quên bản thân mình. Theo cách này, chúng ta sẽ có được sự tự tại. “Thiện” và “bất thiện” chỉ là các pháp thế gian, chúng chỉ là các trạng thái của tâm. Nếu chúng ta chạy theo chúng, tâm của chúng ta sẽ trở thành thế gian, chúng ta chỉ mò mẫm trong bóng tối và không biết lối ra.
Nếu sự việc hoá ra là như thế đó thì chúng ta chưa làm chủ được bản thân mình. Chúng ta cố gắng đánh bại kẻ khác nhưng khi làm như vậy, chúng ta chỉ đánh bại chính mình; nhưng nếu chúng ta đã làm chủ được chính mình thì chúng ta sẽ làm chủ được tất cả – làm chủ tất cả các tâm hành (các hiện tượng tâm lý), cảnh sắc, âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm.
Hiện giờ tôi đang nói về những thứ bên ngoài, chúng là như vậy, nhưng những thứ bên ngoài lại được phản chiếu vào bên trong. Một số người chỉ biết bên ngoài, họ không biết bên trong. Giống như khi chúng ta nói “quán thân trong thân”. Nhìn thấy bên ngoài thân thôi thì không đủ, chúng ta phải biết thân trong thân. Khi quán tâm, chúng ta cũng phải biết tâm trong tâm.
Tại sao chúng ta phải thẩm sát thân? “Thân trong thân” này là gì? Khi chúng ta nói chúng ta biết tâm, “tâm” này là gì? Nếu chúng ta không biết tâm thì chúng ta không biết những gì chứa đựng trong tâm. Đây là một người không biết thế nào là khổ, không biết nguyên nhân của khổ, không biết làm thế nào để chấm dứt khổ và không biết con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Những gì có thế giúp dập tắt khổ sẽ chẳng có ích lợi gì, bởi vì chúng ta bị những gì khiến cho đau khổ trầm trọng thêm làm cho chúng ta phân tâm. Nó cũng giống như khi chúng ta ngứa trên đầu và chúng ta lại đi gãi chân của chúng ta! Nếu cái đầu chúng ta bị ngứa thì hiển nhiên chúng ta sẽ chẳng thấy đã ngứa chút nào. Tương tự như vậy, khi khổ sinh khởi, chúng ta không biết làm thế nào để đối phó với nó, chúng ta không biết cách thực hành để dẫn đến sự chấm dứt khổ.
Lấy thân này làm ví dụ, cái thân mà mỗi người chúng ta mang theo đến Pháp hội này. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài của thân, chúng ta sẽ chẳng có cách nào để thoát khỏi khổ. Tại sao vậy? bởi vì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy bên trong thân, chúng ta chỉ nhìn thấy bên ngoài. Chúng ta chỉ nhìn thấy nó như là một cái gì đó đẹp đẽ, một cái gì đó có thực chất. Đức Phật dạy rằng chỉ nhìn thấy như vậy thì không đủ. Nếu chúng ta thấy cái thân bên ngoài với đôi mắt của chúng ta, một đứa trẻ cũng có thể nhìn thấy cái thân của nó như vậy, các con vật cũng có thể nhìn thấy cái thân của chúng như vậy, chẳng có gì là khó cả. cái thân bên ngoài thì dễ dàng được nhìn thấy, nhưng một khi nhìn thấy nó, chúng ta sẽ dính mắc vào nó vì chúng ta không biết sự thật về nó. Chỉ nhìn thấy nó là chúng ta bám chặt vào nó và nó cắn chúng ta!
Vì vậy chúng ta phải quán thân trong thân. Bất cứ điều gì ở trong thân này, cứ quan sát nó. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy thân bên ngoài, cái thấy của chúng ta sẽ không rõ ràng. Chúng ta thấy tóc, móng tay… và chúng chỉ là những món đẹp đẽ lôi cuốn chúng ta, vì vậy, đức Phật dạy hãy quan sát bên trong thân, để thấy thân trong thân. Trong thân là những gì? Hãy nhìn kỹ vào bên trong! Chúng ta sẽ thấy nhiều điều bên trong làm chúng ta ngạc nhiên bởi vì mặc dù chúng ở ngay trong chính chúng ta nhưng chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy chúng. Đi đâu chúng ta cũng mang chúng theo với chúng ta, chúng ta mang chúng theo với chúng ta khi chúng ta ngồi trong ô tô nhưng chúng ta vẫn không biết gì về chúng cả.
Việc này giống như thể chúng ta ghé thăm bà con của chúng ta tại nhà của họ và họ tặng cho chúng ta một món quà. Chúng ta nhận và cho nó vào trong túi của chúng ta và sau đó ra về mà không mở ra để xem cái gì bên trong. Cuối cùng chúng ta mở món quà ra – toàn là rắn độc! Cơ thể của chúng ta giống như vậy đấy. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy lớp vỏ bọc bên ngoài của nó, chúng ta nói nó tốt và đẹp. Chúng ta quên mất chính mình. Chúng ta quên vô thường, khổ và vô ngã. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong thân này, nó thật sự ghê tởm.
Nếu chúng ta nhìn nó theo thực tại, không cố gắng bọc đường mọi thứ, chúng ta sẽ thấy thân này thật đáng thương và đáng chán ngán. Sự lãnh đạm sẽ sinh khởi trong ta. Cảm giác không “quan tâm” này không phải là do chúng ta cảm thấy ác cảm với thế gian hoặc với bất cứ điều gì; chỉ đơn giản là tâm của chúng ta đã sáng tỏ, tâm chúng ta buông bỏ. Chúng ta thấy sự vật và các hiện tượng không thật hoặc không đáng tin cậy, nhưng tất cả chúng đều được tạo một cách tự nhiên theo đúng bản chất của chính chúng. Bất kể chúng ta muốn như thế nào, chúng cứ vận hành theo cách riêng của chúng. Cho dù chúng ta cười hay khóc, chúng đơn giản là chính chúng vậy thôi. Sự vật và các hiện tượng không ổn định, không bền vững thì chúng sẽ không ổn định, không bền vững; sự vật và các hiện tượng không đẹp đẽ thì chúng sẽ không đẹp đẽ.
Vì vậy, đức Phật dạy rằng khi chúng ta kinh nghiệm cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, cảm giác trên thân hoặc những trạng thái khác nhau của tâm, chúng ta nên buông bỏ chúng. Khi tai nghe âm thanh, hãy buông bỏ nó. Khi mũi ngửi mùi hương, hãy buông bỏ nó; hãy để mùi hương ngừng lại ở mũi! Khi những cảm giác trên thân sinh khởi, hãy buông bỏ cái phản ứng thích hoặc không thích theo sau chúng, hãy để cho chúng quay trở lại cái nơi mà chúng đã từ đó sinh ra. Với các trạng thái tâm cũng tương tự như vậy. Tất cả những thứ này, hãy để cho chúng đi theo đường lối của chúng. Đây chính là cái biết (đơn thuần). Cho dù là hạnh phúc hay đau khổ, đều như nhau cả thôi. Chúng ta gọi đây là thiền tập.
Thiền tập có nghĩa là làm cho tâm an bình để trí tuệ sinh khởi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thực hành với thân và tâm để thấy và biết những sự tiếp xúc của mắt với cảnh sắc, tai với âm thanh, lưỡi với vị, mũi với mùi, thân với xúc chạm và tâm với các trạng thái tâm (tâm hành). Nói một cách ngắn gọn, nó chỉ là vấn đề của hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc là cảm giác dễ chịu trong tâm, đau khổ chỉ là cảm giác khó chịu. Đức Phật dạy để tách cái cảm giác hạnh phúc và đau khổ này ra khỏi tâm. Tâm là cái biết. Cảm thọ là cái đặc trưng của hạnh phúc và đau khổ, thích hoặc không thích. Khi tâm thoả thích trong những cảm thọ này, chúng ta nói rằng nó bám víu vào chúng, hoặc nó cho rằng cái cảm giác hạnh phúc và đau khổ đó đáng được nắm giữ. Sự bám víu đó là một hành động của tâm, cái cảm giác hạnh phúc hay đau khổ đó chính là cảm xúc.
Khi chúng ta nói Đức Phật dạy chúng ta tách tâm khỏi cảm xúc, Ngài đã không nói theo nghĩa đen là đem ném chúng đề những nơi khác. Ngài muốn nói rằng tâm phải biết hạnh phúc và tâm phải biết đau khổ khi chúng sinh khởi. Thí dụ, khi chúng ta thực hành thiền định (samadi), tâm của chúng ta tràn ngập sự an bình; hạnh phúc đến nhưng nó không chạm đến chúng ta, và rồi đau khổ đến nhưng nó cũng không chạm tới chúng ta. Đây chính là sự tách cảm xúc ra khỏi tâm. Chúng ta có thể so sánh nó với dầu và nước đựng cùng trong một cái chai. Chúng không hoà lẫn với nhau. Ngay cả khi ông cố gắng để trộn chúng với nhau, dầu vẫn là dầu và nước vẫn là nước bởi vì tỷ trọng của chúng khác nhau.
Trạng thái tự nhiên của tâm là không hạnh phúc cũng không đau khổ. Khi cảm xúc đi vào tâm và rồi hạnh phúc hay đau khổ được tạo ra. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta sẽ biết cảm giác dễ chịu là cảm giác dễ chịu. Cái tâm biết sẽ không dính mắc vào đó. Hạnh phúc thì ở đó nhưng nó ở “bên ngoài” tâm, không bị chôn giấu trong tâm. Tâm chỉ đơn giản là biết cái cảm xúc đó một cách rõ ràng.
Nếu chúng ta tách đau khổ khỏi tâm, có phải điều đó có nghĩa là không còn đau khổ nữa và chúng ta sẽ không còn kinh nghiệm nó? Có, chúng ta kinh nghiệm nó nhưng chúng biết tâm là tâm, cảm xúc là cảm xúc. Chúng ta không bám víu vào cảm xúc đó hoặc mang nó theo với chúng ta. Đức Phật đã thực hiện việc tách tâm khỏi cảm xúc này bằng trí tuệ. Ngài có đau khổ chứ? Ngài biết trạng thái của đau khổ nhưng Ngài không bám víu vào nó, vì vậy, chúng ta nói rằng Ngài đã chặt đứt đau khổ. Và Ngài cũng có hạnh phúc nữa; nhưng Ngài biết rằng cái hạnh phúc đó, nếu chúng ta không biết nó thì nó sẽ giống như thuốc độc. Ngài không cho hạnh phúc đó là Ngài. Hạnh phúc có ở đó là do sự nhận biết của tri thức nhưng nó không hiện hữu trong tâm của Ngài. Do đó, chúng ta nói rằng Ngài đã tách hạnh phúc và đau khổ ra khỏi tâm Ngài.
Khi chúng ta nói rằng Đức Phật và các bậc Giác Ngộ đã tiêu diệt phiền não, điều đó không có nghĩa là các Ngài đã thật sự giết chúng. Nếu các Ngài đã giết hết phiền não thì có lẽ đã không còn phiền não cho chúng ta nữa! các Ngài không giết phiền não; khi các Ngài hiểu được bản chất thật sự của chúng, các Ngài buông bỏ chúng. Một người ngu sẽ bám níu lấy chúng, nhưng các bậc Giác Ngộ biết những ô nhiễm trong tâm của chính mình như là thuốc độc, vì vậy các Ngài quét sạch chúng ra khỏi tâm. Các Ngài quét ra khỏi tâm những gì làm mình đau khổ, các Ngài không giết chúng. Một người không biết điều này sẽ thấy phiền não là một thứ gì đó, chẳng hạn như là hạnh phúc, là tốt, và rồi nắm khư khư lấy chúng, nhưng Đức Phật chỉ biết chúng (khi chúng sinh khởi) và đơn giản quét chúng đi.
Nhưng với chúng ta, khi cảm xúc sinh khởi, chúng ta đắm chìm vào trong đó, nghĩa là tâm mang cái cảm xúc hạnh phúc và đau khổ đi theo cùng với chúng ta. Trong thực tế, chúng (tâm và cảm xúc) là hai cái khác nhau. Các sinh hoạt của tâm – cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu… – là những cảm xúc sinh khởi khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của chúng, chúng là thế gian. Nếu tâm biết điều đó, nó sẽ phản ứng như nhau với cả hạnh phúc và đau khổ. Vì sao? Bởi vì nó hiểu sự thật về bản chất của sự vật và các hiện tượng. Người không hiểu chúng thì coi hạnh phúc và đau khổ có giá trị khác nhau, nhưng người hiểu thì thấy chúng như nhau. Nếu các ông bám vào hạnh phúc, đó sẽ là nơi mà sau này đau khổ sẽ sinh khởi, bởi vì hạnh phúc thì không vững bền, nó thay đổi luôn. Khi hạnh phúc hoại diệt, đau khổ sẽ sinh khởi.
Đức Phật biết rằng bởi vì cả hai thứ hạnh phúc và đau khổ đều là bất toại nguyện nên chúng đều có giá trị như nhau. Khi hạnh phúc sinh khởi, Ngài buông bỏ chúng. Ngài đã có sự thực hành đúng đắn để thấy rằng cả hai thứ này có những giá trị và hạn chế như nhau. Chúng đến theo quy luật của Dhamma (quy luật tự nhiên), nghĩa là chúng không vững bền và bất toại nguyện. Một khi chúng sinh khởi, chúng sẽ hoại diệt. Khi Ngài thấy điều này, chánh kiến sinh khởi, con đường thực hành chân chánh trở nên rõ ràng. Cho dẫu bất kỳ loại cảm xúc hay suy nghĩ nào sinh khởi trong tâm của mình, Ngài biết nó đơn giản chỉ là sự vận hành liên tục, không ngừng của hạnh phúc và đau khổ. Ngài không bám níu vào chúng.
Khi đức Phật mới giác ngộ, Ngài đã thuyết về việc mê đắm trong những lạc thú và tìm sự thoả mãn trong sự đau đớn. “Này các Tỳ kheo! Đắm mình trong những lạc thú là con đường dễ duôi, tìm thoả mãn trong sự đau đớn là con đường căng thẳng”. Đây là hai điều đã quấy rầy thực hành của Ngài cho đến ngày Ngài đạt được sự giác ngộ bởi vì ban đầu Ngài đã không buông bỏ chúng. Khi đã hiểu chúng, Ngài buông bỏ chúng và chính vì vậy mà Ngài đã có thể thuyết về bài Kinh đầu tiên của mình.
Vì vậy, chúng ta nói rằng một hành giả không nên đi con đường của hạnh phúc hay đau khổ chứ không phải anh ta không nên biết về chúng. Biết chân lý của khổ, anh ta sẽ biết nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Và con đường thoát khổ chính là thiền tập. Nói một cách đơn giản, chúng ta phải chánh niệm.
Chánh niệm là cái biết hay là sự có mặt của tâm. Ngay bây giờ, chúng ta đang nghĩ gì đây? Chúng ta đang làm gì đây? Chúng ta đang có gì với chúng ta? Chúng ta quan sát như vậy và chúng ta biết rõ chúng ta đang sống ra sao. Khi chúng ta thực hành như vậy, trí tuệ sẽ sinh khởi. Chúng ta xem xét và quán xét mọi lúc, trong mọi tư thế. Trong trường hợp một cảm xúc sinh khởi do một trong các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó đưa đến cho chúng ta sự thích thú, chúng ta biết nó y như vậy, chúng ta không xem cái gì đó có thực chất. Nó chỉ là hạnh phúc. Khi đau khổ sinh khởi, chúng ta biết rằng đó là sự mê đắm trong đau khổ, nó không phải là con đường của một hành giả.
Đây là những gì chúng ta gọi là tách tâm khỏi cảm xúc. Nếu chúng ta khôn khéo thì chúng ta sẽ không dính mắc, sự vật và các hiện tượng như thế nào ta cứ để chúng y như vậy. Chúng ta trở thành “người biết”. Tâm và cảm xúc cũng giống như dầu và nước, chúng ở cùng trong một cái chai nhưng chúng không trộn lẫn với nhau. Ngay cả khi chúng ta bị bệnh hoặc đau đớn, chúng ta vẫn biết cảm xúc là cảm xúc, tâm là tâm. Chúng ta biết các trạng thái đau đớn hoặc thoải mái nhưng chúng ta không đồng hoá với chúng. Chúng ta chỉ trú trong sự an bình: An bình vượt qua cả hai sự dễ chịu lẫn đau đớn.
Các ông nên hiểu điều này như vậy bởi lẽ không có một cái tự ngã thường hằng thì sẽ không có chỗ để bám níu. Các ông phải sống như vậy – nghĩa là – không có hạnh phúc và không có đau khổ. Các ông chỉ trú trong cái biết, các ông không mang sự vật và các hiện tượng theo mình.
Chừng nào chúng ta vẫn còn chưa giác ngộ, tất cả những thứ này có thể nghe có vẻ lạ, nhưng điều đó không quan trọng, chúng ta chỉ đặt mục tiêu của chúng ta theo chiều hướng này. Tâm là tâm. Nó sẽ gặp cả hạnh phúc lẫn đau khổ và chúng ta đơn thuần chỉ nhìn chúng như vậy, không hơn, không kém. Chúng tách rời chứ không trộn lẫn với nhau, chúng ta sẽ không nhận biết được chúng. Điều này giống như sống trong một ngôi nhà; ngôi nhà và cư dân của nó có mối liên hệ với nhau nhưng ngôi nhà là ngôi nhà, cư dân là cư dân. Nếu có gì nguy hiểm xảy ra trong ngôi nhà, chúng ta lo lắng vì chúng ta phải bảo vệ nó, nhưng nếu nhà bị cháy, chúng ta phải chạy thoát ra khỏi đó. Nếu cảm giác đau đớn sinh khởi, chúng ta phải thoát ra khỏi cảm giác đó, giống như thoát ra khỏi ngôi nhà. Khi ngôi nhà ngùn ngụt lửa và chúng ta biết ngôi nhà đang cháy, chúng ta phải chạy thoát thân. Chúng là hai thứ riêng biệt, ngôi nhà là một thứ và cư dân trong ngôi nhà là một thứ khác.
Chúng ta nói rằng chúng ta tách tâm khỏi cảm xúc theo cách này nhưng trên thực tế chúng đã tách rời nhau ra theo bản chất. Sự chứng ngộ của chúng ta đơn giản là để biết sự tách ra tự nhiên này theo thực tại. Khi chúng ta nói rằng chúng không tách rời đó là bởi vì chúng ta đang bám níu vào chúng do chúng ta không hiểu sự thật.
Vì vậy đức Phật dạy chúng ta hành thiền. Thiền tập rất quan trọng. Chỉ hiểu biết với kiến thức suông thôi thì không đủ. Kiến thức sinh khởi từ việc thực hành với một cái tâm an bình và kiến thức đến từ sự nghiên cứu thật sự khác xa nhau. Kiến thức đến từ sự nghiên cứu không phải là trí tuệ thật sự của tâm của chúng ta. Tâm cố gắng bám níu và giữ loại kiến thức này. Tại sao chúng ta cố gắng giữ nó? Hãy buông bỏ nó đi! Và rồi khi chúng mất đi thì chúng ta lại khóc.
Nếu chúng ta thật sự biết thì sẽ có sự buông bỏ, sự vật và các hiện tượng như thế nào cứ để chúng yên như vậy. Chúng ta hiểu sự vật và các hiện tượng là như thế nào và không quên chính bản thân mình. Nếu xảy ra sự việc chúng ta bị bệnh, chúng ta không để bị lạc lối trong đó. Một số người nghĩ rằng: “Năm nay tôi bị ốm suốt, tôi không thể hành thiền gì cả.” Đây là lời của một kẻ thật sự xuẩn ngốc. Một người bị bệnh và đang hấp hối thật sự cần phải tinh tấn trong việc thực hành của mình. Một người có thể nói rằng ông ta không có thời gian để hành thiền. Ông ta bị bệnh, ông ta đang đau khổ, ông ta không tin cậy vào bản thân mình, và vì vậy, ông ta cảm thấy mình không thể hành thiền. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì mọi thứ sẽ khó đấy. Đức Phật không dạy như thế. Ngài dạy rằng đây là nơi để hành thiền. Khi chúng ta đang bị bệnh hoặc sắp chết, đó là khi chúng ta có thể thật sự biết và thấy thực tại.
Người khác nói rằng họ không có cơ hội để hành thiền bởi vì họ quá bận rộn. Đôi khi các giáo viên đến gặp tôi. Họ nói rằng họ đảm đương nhiều trách nhiệm và do vậy không có thời gian để hành thiền. Tôi hỏi họ: “Khi quý vị đang dạy, quý vị có thời gian để thở không?” Họ trả lời: “Dạ có”. “Vậy làm thế nào quý vị có thời gian để thở nếu công việc quá đa đoan, bận rộn như vậy? Vậy là quý vị đang xa rời Giáo pháp rồi đấy”.
Trong thực tế, việc thực hành này chỉ là về mặt tâm và các cảm xúc của nó. Nó không phải là một cái gì đó mà các ông phải đuổi theo hoặc đấu tranh để có được nó. Thở vẫn tiếp tục diễn ra trong khi làm việc. Tự nhiên chăm lo cho các tiến trình của nó – tất cả những gì chúng ta phải làm là cố gắng để biết. Chỉ cần tiếp tục cố gắng đi vào bên trong để thấy rõ. Thiền tập là như vậy đấy.
Nếu chúng ta có sự có mặt đó của tâm thì bất cứ công việc nào chúng ta làm sẽ là công cụ cho phép chúng ta biết cái gì là đúng và cái gì là sai một cách liên tục. Có nhiều thời gian cho chúng ta để thực hành, chỉ có điều chúng ta không hiểu đầy đủ về nó, chỉ vậy thôi. Trong khi ngủ chúng ta thở, trong khi ăn chúng ta thở, có phải không? Tại sao chúng ta lại không có thời gian để hành thiền? Bất cứ ở nơi đâu chúng ta đều thở. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ có giá trị như hơi thở của chúng ta vậy, bất cứ chúng ta ở nơi đâu, chúng ta đều có thời gian (để thực hành).
Tất cả mọi loại suy nghĩ đều là các hiện tượng sinh diệt thuộc về tâm, chứ không phải là các hiện tượng sinh diệt thuộc về thân, vì vậy chúng ta đơn giản chỉ cần sự có mặt của tâm và rồi chúng ta lúc nào cũng sẽ luôn biết đúng và sai. Đứng, đi, ngồi, và nằm, có rất nhiều thời gian (để thực hành). Chúng ta không chỉ biết cách để sử dụng nó sao cho phù hợp. Hãy suy xét việc này.
Chúng ta không thể chạy trốn cảm xúc, chúng ta phải biết nó. Cảm xúc chỉ là cảm xúc, hạnh phúc chỉ là hạnh phúc, đau khổ chỉ là đau khổ. Chúng chỉ đơn giản là vậy thôi. Vậy tại sao chúng ta phải bám níu vào chúng? Nếu tâm khôn khéo, chỉ cần nghe chừng đó thôi là đủ giúp chúng ta có thể tách cảm xúc khỏi tâm.
Nếu chúng ta quán xét như thế này một cách liên tục thì tâm sẽ tìm thấy sự giải thoát, nhưng đó không phải là một sự trốn chạy qua sự si mê. Tâm buông bỏ nhưng nó biết. Nó không buông bỏ do vì ngu si hoặc do bởi nó không muốn sự vật và các hiện tượng vận hành theo đường lối tự nhiên của chúng. Nó buông bỏ bởi vì nó hiểu đúng theo chân lý. Đây là hiểu tự nhiên – cái thực tại quanh chúng ta.
Khi chúng ta hiểu điều này, chúng ta là một người thuần thục đối với tâm, chúng ta thuần thục với cảm xúc sinh khởi khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của chúng. Khi chúng ta thuần thục với các cảm xúc như vậy thì chúng ta thuần thục với thế gian. Đây sẽ là một “người biết thế gian”. Đức Phật là một người biết rõ thế gian với tất cả những khó khăn của nó. Ngài biết những gì rắc rối và những gì không rắc rối đều ở ngay tại đây. Thế gian này thật là rối rắm, làm thế nào để Đức Phật có thể biết được điều đó? ở đây, chúng ta nên hiểu rằng Giáo pháp (Dhamma) do đức Phật dạy không phải là nằm ngoài khả năng lãnh hội của chúng ta. Trong mọi tư thế, chúng ta phải giữ cho tâm và sự tĩnh giác của chúng ta có mặt – và khi ngồi thiền, chúng ta cũng phải làm như vậy.
Chúng ta ngồi thiền để huân tập sự an bình và vun bồi năng lực tâm. Chúng ta không làm điều đó để chơi trò gì đặc biệt. Thực hành nội quán (vipassana) tự nó cũng là thực hành thiền định. Ở một số nơi họ nói: “Bây giờ chúng ta sẽ thực hành thiền định, sau đó chúng ta sẽ thực hành thiền quán.” Đừng phân chia chúng như vậy, trạng thái vắng lặng là nền tảng để trí tuệ sinh khởi, trí tuệ là thành quả của trạng thái vắng lặng. Nói rằng bây giờ chúng ta sẽ thực hành thiền vắng lặng, sau đó chúng ta sẽ thực hành nội quán – các ông không thể làm điều đó! Các ông chỉ có thể phân chia chúng qua lời nói mà thôi. Cũng giống như một con dao, lưỡi dao là một bề, sóng dao là một bề khác. Các ông không thể phân chia chúng. Nếu các ông nhặt một bề lên có nghĩa là các ông sẽ có cả hai. Trạng thái vắng lặng đưa đến sự sinh khởi của trí tuệ là như vậy đấy.
Giới là cha và mẹ của Dhamma. Ban đầu chúng ta phải giữ giới. Giới là sự an bình. Điều này có nghĩa là thân và khẩu không làm điều sai quấy. Khi chúng ta không làm điều bất thiện thì chúng ta không bị khuấy động; khi chúng ta không bị khuấy động thì sự an bình và tự chủ sẽ sinh khởi trong tâm.
Vì vậy, chúng ta nói rằng giới, định và tuệ là con đường mà tất cả các bậc Thánh đã đi trên đó để đến bến bờ giác ngộ. Tất cả chúng chỉ là một. Giới là định, định là giới. Định là tuệ, tuệ là định. Nó giống như một quả xoài. Khi nó còn là một cái hoa, chúng ta gọi nó là hoa xoài. Khi nó trở thành quả chúng ta gọi nói là quả xoài. Khi nó chin, chúng ta gọi nó là một quả xoài chin. Tất cả chỉ là một quả xoài nhưng nó liên tục thay đổi. Xoài già phát triển từ xoài non, xoài nhỏ trở thành xoài lớn. Các ông có thể nói chúng khác nhau hoặc cùng là một đều được cả. Giới, định và tuệ liên quan với nhau như vậy. Cuối cùng tất cả chúng cùng là một con đường dẫn đến sự giác ngộ.
Quả xoài, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện dưới dạng một bông hoa, đơn giản chỉ phát triển cho đến khi trở thành quả xoài chín. Chỉ vậy là đủ, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề như vậy. Dầu ai có gọi nó là gì đi nữa, việc ấy chẳng quan trọng. Một khi nó đơm hoa, nó sẽ phát triển thành quả xoài già và sau đó nó sẽ ở đâu? Chúng ta nên quán chiếu điều này.
Một số người không muốn già. Khi họ già, họ trở nên hối tiếc. Những người này không nên ăn xoài chín! Tại sao chúng ta muốn những quả xoài non thành những quả xoài chín? Nếu chúng không chín đúng thời, chúng ta giú ép, phải không? Nhưng khi chúng ta già, chúng ta lại cảm thấy đầy hối tiếc. Một số người khóc, họ sợ già hoặc chết. Nếu quả như vậy thì họ không nên ăn xoài chín, tốt hơn là họ chỉ nên ăn hoa xoài thôi! Nếu chúng ta có thể thấy được như vậy, chúng ta có thể hiểu Dhamma. Tất cả mọi thứ đều sáng tỏ, chúng ta có được sự an vui. Chỉ cần quyết tâm thực hành như vậy.
Ngày hôm nay, ông Uỷ viên trưởng Hội đồng Cơ mật và đảng của ông đã đến đây nghe pháp. Các ông nên thọ lãnh những gì tôi đã nói và quán chiếu nó. Nếu có điều gì không đúng, vui lòng thứ lỗi cho tôi. Nhưng để các ông biết điều đó đúng hay sai, phụ thuộc vào sự thực hành của các ông và cái thấy của chính mình. Bất cứ điều gì sai, hãy quẳng nó đi. Nếu đúng, hãy giữ lấy và sử dụng. Nhưng trong thực tế, chúng ta thực hành là để buông bỏ cả đúng lẫn sai. Cuối cùng chúng ta ném đi tất cả mọi thứ. Nếu nó đúng, ném nó đi; nếu nó sai, ném nó đi! Thường thì nếu nó là đúng, chúng ta dính mắc vào cái đúng, nếu nó sai chúng ta dính mắc vào cái sai và rồi lập luận sẽ theo sau. Nhưng Dhamma là nơi không có gì – không có gì cả.
Theo: The Peace Beyond